Gan nhiễm mỡ – Những điều cần biết & cách chữa bệnh không dùng thuốc.

Gan nhiễm mỡ thường gặp ở người lớn tuổi nhưng hiện nay nhiều người trẻ đã mắc bệnh, thậm chí trẻ con cũng mắc bệnh này.

Gan nhiễm mỡ là bệnh tương đối lành tính ở gan do lượng mỡ tích tụ trong gan vượt quá 5% cân nặng của gan.

Thực tế khoảng 20% người bị gan nhiễm mỡ không hề mập, thậm chí còn có khuynh hướng gầy ốm, là do dinh dưỡng không tốt làm thiếu các chất đạm cần thiết để vận chuyển mỡ khỏi gan.

Sau đây là các nguyên nhân thường gặp gây bệnh:

  • Hàng đầu là do rượu bia (90% số người thường uống rượu bia sẽ bị gan nhiễm mỡ).
  • Thừa cân – béo phì – rối loạn mỡ máu.
  • Đái tháo đường.
  • Viêm gan B và viêm gan C   mãn tính.
  • Dùng các thuốc gây độc cho gan như dùng quá liều các vitamin tan trong dầu, nhất là vitamin A, có thể gây nên gan nhiễm mỡ và thoái hóa.
  • Một loại thuốc khác cũng gây tích tụ mỡ ở bụng và gan làm gan nhiễm mỡ là thuốc có chứa hoạt chất corticoid (có trong thành phần các thuốc trị hen suyễn, khớp và đông dược không rõ nguồn gốc).
  • Suy dinh dưỡng.
  • Giảm cân quá nhanh (trên 1kg/tuần).

Bệnh có nguy hiểm không?

Có người hỏi chúng tôi rằng bệnh gan nhiễm mỡ nguy hiểm không, câu trả lời là cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể.

Nếu do rượu bia thì khả năng diễn tiến thành viêm gan mãn và xơ gan là cao (trên 50%) nên có thể nói là nguy hiểm.

Còn nếu do nguyên nhân khác thì chỉ khoảng 10 – 15% diễn tiến thành viêm gan mãn và xơ gan.

Bệnh hoàn toàn có thể điều trị nếu biết nguyên nhân và người bệnh cần kiên nhẫn vì quá trình hồi phục của gan có thể kéo dài, có khi cần đến 1 – 2 năm.

Khi bị bệnh cần:

– Tham vấn với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa gan mật.

– Tránh xa bia rượu.

– Không ăn các loại thức ăn nhanh như gà rán, hamburger, xúc xích, lạp xưởng…

– Hạn chế các thức ăn có nhiều chất béo bão hòa và cholesterol:

  • Tránh các món chiên xào, thay bằng món luộc.
  • Tránh ăn nội tạng động vật, da gà, da vịt, da heo.
  • Hạn chế trứng: chỉ 2 – 3 quả/tuần.
  • Hạn chế uống sữa chưa tách béo hoặc bơ, phômai.

– Nên ăn uống đầy đủ cả 3 nhóm thức ăn, không nhịn ăn quá mức:

  • Nên ăn bánh mì lạt, bánh quy lạt, các loại rau, củ đã nấu chín, đặc biệt là bắp.
  • Nên ăn các loại đậu, thịt nạc như thịt heo, thịt gà vịt, cá.
  • Hạn chế chất béo.

– Không ăn uống các thực phẩm có nhiều đường.

– Ăn nhiều rau xanh (ít nhất 300 gam rau xanh mỗi ngày như xà lách, dưa leo, bông cải xanh) và trái cây (200 gam quả chín tươi như táo, dâu tây, thơm…).

– Ăn chocolate đen (85% là chocolate) hay uống 1 – 2 tách cà phê đen không đường hằng ngày.

– Ăn thêm các loại rau quả có tác dụng giống như “thuốc giảm mỡ”, chống các gốc oxy hóa: cà chua, rau ngót, cần tây, tỏi, bắp chuối, chanh, cam, quýt, bưởi, trà xanh.

– Tập thể dục thường xuyên: ít nhất 15 – 30 phút mỗi ngày và 5 ngày/tuần.

Phòng bệnh:

– Không uống rượu bia.

– Nếu nhiễm virút viêm gan, cần được theo dõi và điều trị kịp thời. Nếu chưa mắc bệnh thì nên chủng ngừa.

– Tham vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc để tránh những thuốc gây độc cho gan.

– Phòng các bệnh đái tháo đường, béo phì, thừa cân:

  • Chế độ ăn hợp lý: đa dạng, ăn chừng mực, ăn thực phẩm gần với thiên nhiên nhất, nhiều chất xơ, nhiều rau xanh.
  • Sống năng động, tập thể dục thường xuyên.

– Người trên 40 tuổi nên kiểm tra đường huyết, mỡ máu, men gan định kỳ mỗi năm/lần (hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ tùy tình trạng cụ thể của mỗi người).

Bấm phác đồ điều trị theo phương pháp Diện Chẩn:

Tuần tự làm theo các bước sau:

Bước 1: Thao dầu vào các sinh huyệt

Bước 2: Thoa dầu rồi hơ nóng vùng gan ở bẹ sườn bên phải 1 phút

Bước 3: Dùng que dò thủy tinh chấm dầu xoay tròn hoặc ấn nhẹ các sinh huyệt 50-50A trên trán , 50B trên đỉnh đầu xoay tròn nhẹ 60 vòng rồi hơ nóng 30 giây.

Bước 4: Dùng búa cao su gõ nhẹ các sinh huyệt 63 -7, sau đó dùng que dò thủy tinh chấm dầu xoay tròn hoặc ấn nhẹ các sinh huyệt 60 cái.

Bước 5: Thoa dầu vào sinh huyệt G trên bàn tay phải, huyệt 87-126 rồi hơ nóng mỗi sinh huyệt 30 giây.

Lưu ý: bệnh nhân cần uống thêm nước đắng của khổ qua hoặc trà đắng.

#dienchan #yogatrilieu