HƯỚNG DẪN CHI TIẾT CÁCH HÍT THỞ ĐÚNG TRONG TẬP LUYỆN YOGA
VAI TRÒ CỦA HƠI THỞ TRONG THỰC HÀNH YOGA
Hơi thở là một trong những phần quan trọng để tạo nên nguồn năng lượng sống cho cơ thể. Chúng ta đến với thế giới này bằng hơi thở để rồi lìa xa thế giới cũng bằng hơi thở.
Có thể nói, hơi thở chính là một điểm dễ nhận biết nhất để phân biệt “sự sống” và “cái chết”. Trong yoga, hơi thở được coi là cái “gốc”.
Cái “gốc” là hơi thở mà không vững, không chắc chắn thì thử hỏi việc thực hành các động tác/tư thế được coi như các cành cây, ngọn cây, tán lá liệu có còn ý nghĩa gì? .”Gốc” hỏng, mục ruỗng thì cây liệu có tồn tại được không?
Thật sự ngay cả khi bạn không thể thực hành các động tác/tư thế Yoga, chỉ cần bạn hít-thở chuẩn thôi thì đã đồng nghĩa với việc bạn đạt tới 50% hiệu quả buổi tập rồi.
“Hít vào” chính là quá trình giúp bạn lấy được nhiều dưỡng khí oxi để nuôi cơ thể và massage các cơ quan nội tạng.
“Thở ra” chính là quá trình giúp bạn đào thải thán khí, độc tố trong cơ thể ra ngoài, trút bỏ mọi muộn phiền.
NHỮNG NGUYÊN TẮC CHÍNH CỦA HÍT -THỞ BỤNG TRONG YOGA
HÍT BẰNG MŨI, THỞ BẰNG MŨI
Việc hít bằng mũi, thở bằng mũi giúp chúng ta phòng tránh nhiều bệnh về đường hô hấp, đặc biệt sẽ giảm thiểu được chứng ho, viêm họng về mùa đông.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hành, nếu bạn cảm thấy đuối sức thì cách thức lấy lại năng lượng nhanh nhất chính là hít mũi -thở miệng (thở mạnh phát ra tiếng).
HÍT PHÌNH BỤNG, THỞ XẸP BỤNG
Khi bạn hít vào, bụng sẽ từ từ phình căng lên như khi ta bơm một quả bóng, cơ hoành tự động hạ xuống. Khi bạn thở ra, bụng bạn sẽ chầm chậm xẹp lại như hình ảnh quả bóng bị xì hơi, cơ hoành lúc này tự động nâng lên.
Chính việc tự động lên, xuống đều đặn của cơ hoành mà người ta đã ví von cơ hoành của chúng ta giống như một cái piston, giúp massage các cơ quan nội tạng.
Bạn cần lưu ý:
Muốn đẩy sạch thán khí ra ngoài, bạn cần siết cơ bụng, cơ hậu môn và rút cơ âm.
Việc siết cơ hậu môn còn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh trĩ ngoại, đặc biệt với những phụ nữ mắc trĩ ngoại do sinh thường.
Còn rút cơ âm, ai hít thở chuẩn, kiên trì tập luyện hàng ngày, sẽ giúp âm đạo cực kỳ se khít. Từ đó mới thấy, chỉ cần bạn biết hít-thở bụng đúng cách thôi, đã đủ giảm mỡ bụng rồi.
HƠI HÍT VÀO DỒN TOÀN BỘ XUỐNG Ổ BỤNG
Khi bạn hít vào, toàn bộ khí oxi sẽ dồn xuống bụng rồi mới lên ngực, lên hai vai chứ không vào ngực ngay lúc đầu.
Nếu bạn hít vào ngực luôn thì hơi cực ngắn, chỉ sử dụng 1/3 thể tích phổi (phần trên và phần giữa), phần đáy phổi khi đó không hề có sự trao đổi khí.
Chính vì hít thở ngực không đủ dưỡng khí để nuôi cơ thể nên người tập thường hay có biểu hiện bị hụt hơi.
Nếu bạn hít-thở bụng thì hơi thường rất dài, bạn không chỉ sử dụng cơ ngực, cơ hoành như khi hít-thở ngực nữa mà còn sử dụng cả cơ bụng, cơ hông và cơ đáy chậu cho quá trình hít-thở.
Cần lưu ý:
Với những người mới tập, chỉ cần hít vào, đẩy được hơi xuống bụng là tuyệt rồi, những người tập lâu năm, làm chủ được hơi thở, sau khi đẩy hơi xuống bụng thì hít thêm để đưa khí oxi lên ngực, lên hai vai rồi mới chầm chậm thở ra.
Kỳ thực, hít-thở bụng trong Yoga chính là cách hít-thở bẩm sinh của tôi và các bạn.
Từ khi chúng ta cất tiếng khóc chào đời, tạo hoá đã ban cho cách hít-thở tuyệt vời chuẩn Yoga.
Nếu bạn chịu khó quan sát các bé sơ sinh, bạn sẽ thấy rõ ràng là bé nào cũng hít-thở bụng, bụng các bé cứ phập phồng lên-xuống thật đáng yêu làm sao.
Thế rồi khi chúng ta dần lớn lên và trưởng thành, cùng với bao lo toan, muộn phiền, hỉ-nộ-ái-ố khiến chúng ta chưa kịp hít vào thì đã thở ra mất rồi. Do vậy, hơi thở thường rất ngắn và chỉ vào ngực thôi.
HÍT SÂU, THỞ CHẬM
Hít thật sâu và thở thật chậm sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.
Không hề có quy định nào về việc thời gian hít vào và thời gian thở ra bao lâu là lý tưởng.
Thời gian đó dài hay ngắn phụ thuộc chủ yếu vào cơ địa, tình trạng sức khoẻ và sự khổ luyện của người tập.
Chỉ biết rằng, thời gian bạn hít khí oxi vào trong cơ thể, giúp làm mới cơ thể càng lâu càng tốt và thời gian bạn thở ra nhằm đào thải độc tố trong cơ thể ra bên ngoài càng dài càng tốt.
HƠI THỞ NHẸ VÀ ÊM
Hơi thở của bạn cần nhẹ và êm. Khi bạn hít vào, chỉ mình bạn biết bạn đang hít vào. Khi bạn thở ra, cũng chỉ mình bạn biết bạn đang thở ra.
Trong thực tế giảng dạy, mình phát hiện ra, nếu ai đó phát ra tiếng hít-thở mạnh hoặc khò khè như người bị tắc mũi, người ngồi bên cạnh nghe rõ mồn một, thì người đó có khả năng đang mắc viêm xoang hoặc một trong những chứng bệnh hô hấp nào đó.
CÁC THÌ CỦA HƠI THỞ
NGƯỜI MỚI TẬP
Nếu bạn là người mới tiếp cận bộ môn yoga, bạn nên áp dụng cacgs hít-thở “dễ” hơn và an toàn hơn là hít-thở hai thì, nghĩa là chỉ hít vào và thở ra.
Với cách hít-thở này, lý tưởng sẽ đạt tỷ lệ 1-2 (là thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào).
Nếu bạn chưa đáp ứng được về mặt thời gian giữa hít và thở cũng không sao cả. Mọi cái tương đối thôi, miễn là phù hợp với thể trạng sức khỏe và cơ địa của bạn, khiến bạn luôn cảm thấy dễ chịu và thoải mái nhất.
NGƯỜI TẬP LÂU NĂM VÀ SỨC KHỎE BÌNH THƯỜNG (đặc biệt không mắc các bệnh về tim mạch và huyết áp)
Nếu bạn đã tập luyện yoga trong thời gian lâu, tính bằng năm rồi và sức khỏe của bạn hoàn toàn ổn định, bạn có thể áp dụng cách hít-thở ba thì, bao gồm: hít vào-nín thở-thở ra theo tỷ lệ 1-4-2, nghĩa là thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào, thời gian nín thở gấp đôi thời gian thở ra.
Đây cũng chính là cách hít-thở của mình trong suốt quá trình tập, bí quyết giúp mình làm mềm dẻo cơ thể rất nhanh và khi thực hiện các tư thế khó không bị chấn thương.
Bạn cũng có thể áp dụng cách hít-thở 4 thì, bao gồm: hít vào – nín thở – thở ra – nín thở. Tuy nhiên, mình có lời khuyên dành cho bạn là chỉ nên áp dụng cách hít – thở này khi bạn muốn luyện riêng về hơi thở hoặc khi bạn ngồi thiền chẳng hạn.
LƯU Ý:
Nếu các bạn áp dụng được việc hít-thở chuẩn khi thực hành Yoga vào việc hít-thở trong cuộc sống hàng ngày thì vô cùng lý tưởng đó, sẽ cực kỳ tốt cho sức khoẻ.
Biết là rất khó để từ bỏ một thói quen nhưng không gì là không thể cả. Hãy cho bản thân mình thời gian để việc hít-thở hàng ngày y như khi thực hành yoga vậy. Với riêng cá nhân tôi, tất cả đã trở thành một phản xạ tự nhiên rồi.
ST: Tranthuy
Xem thêm: Ho’opponopono 108 lần trong ngày – Thanh tẩy rác Tiềm Thức – Khởi Tình Thương rộng khắp.
#yogatrilieu #yoga #hitthoyoga #cachhithoyoga #tapluyenyoga