Hiểu về Hatha Yoga trong toàn bộ Yoga

HIỂU VỀ HATHA YOGA (Trích “Hành trình về Phương Đông”)

Không ai biết rõ pháp môn Yoga bắt đầu từ lúc nào trong lịch sử.

Kinh sách Ấn Ðộ Giáo nói rằng thần Shiva truyền dạy môn này cho hiền triết Gheranda. Nhà hiền triết dạy lại cho các đệ tử của ông nhưng chỉ có Marteyanda là lãnh hội được các tinh túy và phổ biến trong giới trí thức thời đó.

Yoga là một khoa học bao gồm nhiều thứ từ Thiên văn, Ðịa lý, Triết học, Toán học v.v…

Pháp môn có tên gọi Hatha Yoga chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ Yoga.

Trong thời cực thịnh Yoga phát triển khắp nơi và lôi cuốn giới hiền triết, trí thức rất đông. Theo thời gian, thời hoàng kim đã qua. Nhân loại đã sa vào hố thẳm của sa đọa vật chất, bị lôi cuốn vào các cám dỗ xác thịt. Ðể chống lại sự phá sản tâm linh này, các hiền triết đã hội thảo để tìm một giải pháp.

Sau cùng họ đi đến kết luận là cho phép truyền dạy một phần của môn Yoga cho quần chúng nhằm đem lại một giải pháp cho giai đoạn lúc đó.

Phần được truyền dạy này trích ở chương Yuj (cái ách) gồm các phương pháp trói buộc tinh thần lẫn thể xác trong một kỷ luật khắt khe để đạt mục đích tập trung Tâm và Thân làm một với bản thể trời đất.

Từ đó phần này được truyền bá khắp nơi và tồn tại đến ngày nay. Vì trích ở chương Yuj nên nó được gọi là Yoga.

Nên nhớ đây chỉ là một phần rất nhỏ của môn Yoga nguyên thủy vậy mà phần nhỏ này cũng chỉ rất ít người hiểu rõ một cách đứng đắn. Ða số đã hiểu sai nên mới có các lối tập luyện kỳ dị, các lối tu khổ hạnh điên rồ, các tư thế lố bịch.

Như chúng ta thấy, có các đạo sĩ nằm bàn đinh, dơ cánh tay lên trời cho đến khi nó khô liệt. Sự luyện tập như thế không có ích gì mà cũng chả mang lại một kết quả gì.

Ðó là những kẻ đã làm hoen ố danh dự một khoa học như Yoga. Ðối với đa số, Yoga đã bị hạ thấp xuống thành một môn thể dục để thân thể khỏe mạnh cường tráng.

Tuy thế, nếu luyện thế đúng cách nó vẫn mang lại nhiều kết qủa tốt cho thể xác. Nhưng các đạo sĩ Yogi lại khác, họ biết rằng luyện tập môn này sẽ giúp họ khám phá các năng lực tiềm tàng, mầu nhiệm, giúp họ đạt các phép thần thông biến hóa.

Ðể luyện ý chí, họ tập trung năng lực vào các việc như hành xác, bắt nó chịu các thử thách cực độ như phơi nắng, dầm sương, ngồi trên than hồng, đứng bằng tay, tréo chân lên cổ, nhịn đói, nhịn khát, lấy gươm xiên vào da thịt, v.v…

Ðể chứng minh quyền năng ý chí, họ đem trò này ra biểu diễn cho quần chúng để tìm cách vừa kiếm tiền, vừa hưởng sự kính trọng của đám dân chúng khờ khạo.

Mục đích của Yoga đâu phải làm trò lạ mắt cho người đời kính phục.

Pháp môn Yoga còn gì quý bằng nên người tu chân chính không khi nào đem rao bán ngoài chợ. Kẻ nào thành tâm muốn học hỏi phải ra công tìm kiếm và đó là phương pháp duy nhất.

Một danh sư không cần quảng cáo rầm rộ vì không cần các đệ tử xúm vào xưng tụng. Trái lại, ông tuyển chọn đệ tử gắt gao và chỉ tryền dạy các giáo lý bí truyền khi người đệ tử tỏ ra xứng đáng.

Khoa Yoga bí mật vì cách luyện rất nguy hiểm đối với người non kém, chưa đủ khả năng. Khai mở các bí huyệt đâu phải trò chơi tầm thường.

Có rất nhiều môn Yoga khác nhau nhưng người tu luyện theo môn Hatha Yoga nhằm việc chủ trị xác thân trước khi chủ trị tinh thần. Lúc đầu ta phải luyện tập bắp thịt và bộ máy hô hấp cho thật thuần thục sau đó mới đi vào thần kinh, não tủy.

Nếu tập đúng cách, sức khỏe sẽ tăng cường, sống lâu và có ý chí mạnh mẽ. Ðó chỉ là giai đoạn nhập môn, nó đòi hỏi ít nhất từ một đến bốn năm mới đáng kể. Thân thể có cường tráng, tinh thần có dũng mãnh mới có thể tiếp tục bước vào giai đoạn kế tiếp.

Trước hết có bốn cách thức căn bản: Nghỉ ngơi làm xoa dịu thần kinh, cân não. Tĩnh tọa để tập trung ý chí. Ðiều tức để tẩy uế thân thể, khu trục các chất cặn bã và khí công để kiểm soát hơi thở.

Hãy lấy một thí dụ giản dị như việc nghỉ ngơi, hãy quan sát con mèo khi nó nằm yên hay rình bên lỗ chuột. Con mèo biết cách dưỡng sức, bảo tồn sinh lực không hao phí chút nào. Mọi cử động tư thế là cả một sự suy nghĩ, kiểm soát để thoải mái tối đa.

Người Châu Âu thường tưởng mình biết nghỉ ngơi nhưng thật ra họ không biết gì cả. Họ ngồi trên ghế một lúc rồi quay bên nầy, ngả bên nọ. Khi thì tréo chân, lúc lại dang tay, coi thì thoải mái nhưng trí óc họ hoạt động liên miên từ việc này đến việc nọ.

Như thế chỉ là hoạt động âm thầm chứ đâu phải nghỉ ngơi.

Loài vật biết cách dưỡng sức bởi vì chúng có bản năng dìu dắt mà bản năng là tiếng nói tự nhiên. Loài người được hướng dẫn bằng lý trí nhưng thay vì làm chủ lý trí họ đã không kiểm soát được bộ óc của họ nên hậu quả là cả hệ thống thần kinh lẫn xác thể đều bị ảnh hưởng. Sự nghỉ ngơi hoàn toàn gần như không có.

Có hai mươi tư thế (Asana) mà ai cũng có thể tập luyện để tăng cường sinh lực. Các tư thế này có ảnh hưởng đến một số bí huyệt khiến nó tác động lên các cơ quan suy yếu, giúp nó hoạt động trở lại mạnh mẽ hơn.

Khoa học Tây Phương đã chứng minh rằng ngoài các mạch máu chính, thân thể con người còn có hàng triệu các vi ti mạch chạy khắp nơi để đưa dưỡng khí nuôi cơ thể.

Nếu một cơ quan hay bắp thịt ít hoạt động hay suy yếu thì số lượng các vi ti mạch (cappilaries) cũng giảm bớt đi. Tập thể thao hay bơi lội có thể làm các mạch máu nhỏ nầy gia tăng hoạt động khiến cơ quan phục hồi.

Cũng như thế, tập các tư thế Yoga sẽ làm luồng Hỏa hầu (Prana) lưu chuyển, kích động các cơ quan từ trong khiến nó hoạt động đúng với hiệu năng của nó. Bạn nên nhớ, tập thể thao có thể làm các cơ quan hoạt động nhưng tập Yoga làm nó hoạt động đúng với hiệu năng sẵn có.

Do đó, nó mang lại nhiều hiệu qủa thần diệu hơn. Con người không cò lo bệnh tật gì nữa, nếu có bệnh cũng sẽ khỏi hoàn toàn.

Một thân thể khỏe mạnh, cường tráng làm sao có thể bị bệnh được? Bệnh tật là do sự mất quân bình trong cơ thể.

Người Âu Mỹ chỉ biết hoạt động chứ đâu biết nghỉ ngơi, thế đã là lý do gây nên các bệnh thần kinh rồi. Điều quan trọng là phải biết tập luyện ra sao cho đúng cách.

Việc đầu tiên là phải ngồi cho thoải mái, ngồi trên ghế, nhất là các ghế bành êm ấm rất có hại cho xương sống, con đường vận hà chính của luồng Hỏa hầu Prana, và là nguyên nhân gây nên các chứng đau lưng, bại xuội, phong thấp.

Phép ngồi thật ra rất dễ, chỉ cần ngồi xếp bằng dưới đất, không dựa vào đâu, không nghiêng ngả bên nào, giữ cơ thể thật thăng bằng, xương sống phải thật thẳng và thở nhẹ, đều đặn. Ai cũng có thể thở nhẹ trong vài phút nhưng sau đó sẽ lại thở loạn xạ ngay.

Ðó là vì bộ óc quen hoạt động, quen náo nhiệt. Hãy giữ cho lòng yên tĩnh, vắng lặng không bận rộn vào mọi chuyện vớ vẩn. Lúc đầu chưa quen chủ trị tư tưởng thì hãy nghĩ đến một cái gì đẹp đẽ, mỹ lệ như bông hoa, dòng suối.

Ðó là bước đầu cho việc nghỉ ngơi.

Khi giữ được xương sống thẳng và thở hít đều đặn thì luồng chân khí sẽ lưu thông khắp cơ thể và từ đó sẽ điều chỉnh các chỗ bế tắc, ứ đọng trong châu thân.

Cách thứ hai là nằm ngửa trên mặt đất, chân duỗi thẳng, đưa hai ngón chân cái ra ngoài. Hai tay buông xuôi bên thân mình, mắt nhắm lại để sức nặng toàn thân phân phối đều trên sàn gạch.

Nên nhớ phải nằm trên sàn chứ không phải trên giường, nhất là giường nệm vì giường mềm mại khiến thân thể lệch lạc không đều.

Hãy nằm cho thoải mái, không nên cố gắng thái qúa, đầu óc phải thảnh thơi, chớ suy nghĩ hay mong mỏi điều gì. Tư thế này sẽ xoa dịu bộ thần kinh khiến nó lấy lại trạng thái quân bình.

Nên nhớ nền tảng chính của Hatha Yoga dựa trên sự nghỉ ngơi, dưỡng sức chứ không phải hành xác với các tư thế vặn vẹo kỳ cục.

Vấn đề đứng ngồi một tư thế đặc biệt trong một khoảng thời gian không quan trọng nhưng sự tập trung ý chí để thi hành tư thế đó một cách đúng đắn sẽ thúc đẩy các mãnh lực tiềm tàng trong cơ thể con người.

Những mãnh lực này là bí mật của thiên nhiên, nó chỉ phát triển khi người luyện tập phải kèm theo một phương pháp thở (Khí Công). Tư thế giúp con người chủ trị giác quan, hơi thở giúp con người mở cửa vào thế giới tinh thần.

Nên nhớ tinh thần và thể xác luôn đi song đôi. Không thể có một tinh thần bạc nhược trong một thể xác tráng kiện hay tinh thần minh mẫn trong một thể xác bệnh hoạn.

Trong giai đoạn cao của Hatha Yoga thì hành giả sẽ phải tham thiền nhập định rất lâu, thế ngồi của thể xác là điều quan trọng vì nó giúp sự tập trung tư tưởng được dễ dàng, giúp hành giả tinh tấn, tăng cường ý chí…

Bạn nên nhớ, trung tâm bí mật của hệ thần kinh rải rác nhiều chỗ trong cơ thể. Mọi tư thế có công dụng riêng, ảnh hưởng đến một bí huyệt nhất định.

Nhờ kích động các bí huyệt đó mà ta có thể ảnh hưởng các bộ phận trong cơ thể cũng như hoạt động trí não. Các tư thế lạ lùng chỉ dùng để kích động các bí huyệt mà thôi.

Ngoài ra không còn gì khác nữa. Bạn phải nhớ kỹ rằng ngoài các tư thế còn có phương pháp khí công nữa chứ không phải chỉ vận động các bắp thịt thôi.

Người Tây Phương tập thể thao, vận động thể xác mạnh mẽ, tiêu phí sinh lực để làm nẩy nở bắp thịt. Người Á Châu tin rằng chính cái sức mạnh ở trong mới điều khiển và chỉ huy các bắp thịt.

Bạn cho rằng phương pháp chổng ngược chân lên trời (trồng cây chuối) là lố bịch ư?

Tư thế này dồn máu xuống bộ óc do trọng lượng của nó. Bình thường máu được đưa lên óc do sức vận động của tim. Sự khác biệt ở chỗ để máu tự nhiên dồn xuống óc xoa dịu cân não rất có lợi cho ai làm việc nhiều bằng trí óc và giúp quả tim ngơi nghỉ không phải cố gắng để đưa máu lên óc. Nhờ tim được ngơi nghỉ mà tránh được các chứng đau tim.

Khi thực hành các tư thế này phải cẩn thận, làm chậm rãi, từ từ, có ý thức, giữ vững tư thế trong một thời gian, không nên cố gắng thái quá.

Nên nhớ chìa khóa là ở sự nghỉ ngơi thong thả chứ không phải hùng hục. Môn Yoga giúp thân thể tự động điều hòa trong sự yên tĩnh, thăng bằng, khác hẳn các lối tập thể thao co tay, múa chân ào ạt của người Âu. Làm thế tuy bắp thịt cơ thể nẩy nở nhưng thân thể náo động, có hại cho thần kinh.

Yoga là khoa học của vũ trụ, nó không những chỉ áp dụng riêng đối với dân Á Châu mà khắp nơi.

Luật thiên nhiên định rằng trung bình con người thở với số nhịp là 21.600 lần mỗi ngày. Sự hô hấp quá nhanh làm gia tăng nhịp điệu nói trên và thu ngắn sự sống. Sự hô hấp chậm rãi, kéo dài, đều đặn là tiết kiệm sinh lực và kéo dài sự sống, đó là bí quyết khoa Khí công.

Mỗi hơi thở tiết kiệm sẽ tích tụ lại thành một số dự trữ giúp ta kéo dài sự sống. Các đồ ăn có chất kích thích hay hút thuốc làm cho hơi thở dồn dập, giảm số lượng dưỡng khí vào phổi tất nhiên làm ta giảm thọ nhanh.

Khoa Yoga ý thức rất rõ sự liên quan chặt chẽ giữa cơ quan hô hấp và tuần hoàn. Cả hai cơ quan này liên hệ mật thiết với hệ thần kinh. Bộ thần kinh là chìa khóa vào cánh cửa tâm linh, do đó, hơi thở chính là lối vào tinh thần.

Nhưng hơi thở chỉ là sự biểu lộ trên địa hạt vật chất của một sức mạnh tế nhị hơn. Sức mạnh này mới là cột trụ sinh hoạt xác thể và chính cái sức mạnh vô hình, vô ảnh ẩn tàng trong cơ thể chúng ta mới thực sự điều khiển đời sống. Khi nó rời xác thân thì hơi thở ngừng lại và sự chết đến.

Sự kiểm soát hơi thở giúp ta làm chủ một phần nào luồng sinh lực vô hình này. Khi sự chủ trị thân xác được thực hiện đến mức cao siêu, con người sẽ kiểm soát được sự vận động các cơ quan trong thân thể như tim, gan, bao tử, phổi…

Bạn có tin rằng nếu luyện tập pháp môn này đến mức cao siêu ta có thể thắng đoạt tử thần không? Bạn đồng ý rằng ngưng thở là chết và nếu ta giữ được hơi thở thì ta bảo tồn sự sống có đúng không?

Bạn thân mến, một đạo sư có thể cầm giữ hơi thở không những trong nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm và nhiều thế kỷ tức là họ có thể kéo dài sự sống theo ý muốn có đúng không? hơi thở ở đâu tức là sự sống ở đó.

Khi bạn lên dãy Hy-Mã-Lạp-Sơn, bạn sẽ gặp những người này và điều này không lạ lùng như bạn nghĩ. Khoa Yoga chân truyền có thể đem lại nhiều quyền năng bất ngờ, lạ lùng nhưng đã mấy ai khổ công tập luyện.

Trong thời buổi điên đảo hiện nay, con người mê mải trong danh lợi, phù phiếm, các ảo ảnh cuộc đời, làm gì có thì giờ suy nghĩ đến sinh hoạt tâm linh. Ðó cũng là lý do những người thực sự mong muốn một trạng thái tâm linh thường ẩn mình nơi hoang vắng, các bậc đó không bao giờ phải đi tìm đồ đệ mà người tìm đạo phải đi kiếm các ngài…

Diện Chẩn & Yoga Trị Liệu – Hiểu về Hatha Yoga toàn bộ Yoga

Có ba phương pháp kéo dài sự sống:

  • Phương pháp thứ nhất: là luyện tập tất cả các tư thế (asana) cùng với môn khí công bí truyền cho thật thuần thục tuyệt hảo.

Phương pháp này chỉ có thể thực hiện dưới sự chỉ dẫn của một vị danh sư đã có kinh nghiệm vì sai một ly đi một dặm, đó là chưa kể người tập phải có một nếp sống tinh khiết, trong sạch hoàn toàn.

Một ý niệm xấu khi thiền định có thể làm loạn động hơi thở đưa đến tình trạng “Tẩu hỏa nhập ma,” điên loạn hoặc chết ngay.

  • Phương pháp thứ hai: là sử dụng dược chất, pha chế các loại thuốc đặc biệt các loại cây cỏ hiếm hoi, phương pháp này cũng chỉ một thiểu số biết cách bào chế và chỉ truyền lại cho các đệ tử riêng.

Phương pháp luyện đơn này chỉ được dùng trong trường hợp đặc biệt vì nó có các hiệu quả không thể lường được.

  • Phương pháp thứ ba: là lối mở các kinh kỳ bát mạch, sinh tử huyền quan rất khó giải thích theo khoa học thực nghiệm.

Trong óc con người có một lỗ trống rất nhỏ nằm sâu bên trong và có một nắp đậy bên ngoài. Nơi cuối cùng của đốt xương sống là sào huyệt của luồng hỏa hầu Kundalini. Sự trụy lạc, trác táng làm tiêu hao sinh lực khiến con người trở nên già nua, cằn cỗi.

Trái lại nếu biết kiểm soát ta có thể tiết kiệm sinh lực.

Khi một người làm chủ toàn xác thân, y sẽ kiểm soát được luồng Hỏa hầu này. Chỉ những đạo sĩ Yogi thượng thặng mới dám luyện đến luồng Hỏa hầu khiến nó thức tỉnh đi ngược lên trên theo xương sống khai mở các bí huyệt, các trung tâm quan trọng nằm dọc theo lộ trình.

Khi mở được nắp đậy lỗ hổng ngay trong óc để luồng Hỏa hầu chui vào cư ngụ nơi đây ta sẽ khai mở nhiều quyền năng, cải lão hoàn đồng kéo dài sự sống. Sự khó khăn nhất là việc mở được cái nắp đậy trên óc, việc này có khi cần sự trợ giúp của một danh sư sử dụng nội lực giúp y đả thông kinh kỳ bát mạch.

Việc này rất khó vì kẻ táo bạo luyện công dễ mất mạng như chơi. Người thành công có thể kéo dài sự sống như ý muốn và khi chết thể xác họ vẫn tươi tốt như khi còn sống. Không hề hư hại…

Một ngày nào đó, khoa học sẽ tiến đến vấn đề vừa trình bày, lúc đó trình trạng hiểu biết của nhân loại đã tiến hóa cao hơn bây giờ nên có thể hiểu biết một cách chính xác hơn. Bạn nên hiểu luật vũ trụ định rằng khoa học thực nghiệm phải luôn luôn đi song song với sự tiến hóa của nhân loại. Vài trăm năm trước có phải khoa học lúc đó thật là ấu trĩ so với bây giờ hay không?

Nếu đi ngược dòng lịch sử, bạn có thấy rõ mực tiến hóa của khoa học và nhân loại luôn luôn bổ túc cho nhau không? Thời tiền sử, nói về nguyên tử lực là điều vô lý và có nói cũng chả ai hiểu. Thời Trung cổ, nếu có giảng giải về không gian sẽ bị kết án là phù thủy.

Lịch sử Âu châu đã chứng minh rằng những người thông minh quá đều bị chế nhạo là điên khùng rồi bị thiêu sống. Ðó cũng là lý do các bậc danh sư không hề xuất hiện và các phương pháp tu hành được gìn giữ cẩn thận, bí mật, chỉ những người thành tâm mới được dạy bảo.

Mục đích của Yoga không phải là cầu sống lâu.

Sống khổ hạnh mà không có ý nghĩa để làm gì? Phần lớn các đạo sĩ luyện thân thể cường tráng sống lâu hơn người khác chưa thấu hiểu mục đích tối hậu. Bạn nghĩ các bậc Chân Sư chỉ lo sống thêm ít lâu hay sao?

Người đời thường chỉ hiểu một chiều và đi ngay đến kết luận. Chinh phục thể xác chỉ là bước đầu đưa con người đến việc chinh phục tinh thần. Giữ cho mình không hành động xấu thì dễ nhưng giữ cho tâm không nghĩ xấu mới khó khăn gấp bội và đòi hỏi nỗ lực phi thường.

Ðời người quá ngắn, việc tập luyện kiểm soát thể xác đã đòi hỏi nhiều năm, không đủ để tu tập tinh thần, do đó, các đạo sĩ mới kéo dài thêm đời sống. Môn Hatha Yoga chỉ nhằm mục đích chủ trị xác thân, khi thành công phải tu tập thêm Raja Yoga nhằm chủ trị tinh thần nữa chứ. Hatha Yoga dọn đường cho Raja Yoga…

Bạn có thể đặt câu hỏi: Thế tại sao không tập Raja Yoga ngay có hơn không?

Như vậy là hấp tấp, muốn đi xa phải đi từ từ, phải tập đi trước khi tập chạy chứ. Ðốt giai đoạn là bảo đảm thất bại. Khi thể xác chưa làm chủ nổi thì làm sao đã đòi làm chủ tinh thần…

Tác giả: Nguyên Phong

#hathayoga #yoga #hanhtrinhvephuongdong